Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những bước ngoặt lịch sử In trang
03/01/2020 08:41 SA

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc vào thời kỳ phát triển mới.

 

Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

 

1. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, xác định đúng đắn đường lối cách mạng, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới của độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trước năm 1930 khi chưa có Đảng, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị, áp bức hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân Pháp và hàng trăm năm của chế độ phong kiến thối nát. Biết bao cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta đã liên tiếp nổ ra nhưng kết cục đều thất bại do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn soi đường. Phong trào đấu tranh dưới ngọn cờ "Cần Vương" của các sĩ phu yêu nước lãnh đạo cùng với các cuộc khởi nghĩa nông dân lấy hệ tư tưởng phong kiến làm nền tảng đã tỏ ra lỗi thời, bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử. Các phong trào đấu tranh dưới ngọn cờ của giai cấp tư sản dân tộc cũng nhanh chóng lộ rõ sự yếu hèn, thất bại trước các nhiệm vụ lịch sử. Chỉ có phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hành động cách mạng, kiên trì mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội là giành được những thắng lợi vẻ vang.

 

Sự lựa chọn đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã sớm nhận ra rằng, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, một học thuyết cách mạng và khoa học nhất về con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Ngay từ những năm đầu thập niên 20, thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã có sự lựa chọn đúng đắn khẳng định con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam: "không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"[1]. Trải qua thực tiễn cuộc sống, hoạt động cách mạng phong phú và tiếp thu chân lý khoa học, Người đã đi đến kết luận chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu được nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên trái đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc.

 

2. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bám sát thực tiễn cách mạng, phân tích sâu sắc thời cuộc, nắm vững mâu thuẫn cơ bản, thấy rõ mâu thuẫn chủ yếu trong mỗi thời kỳ, xác định đúng đắn những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp đã làm tích tụ những mâu thuẫn gay gắt giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân và bè lũ tay sai. Những mâu thuẫn đó chỉ có thể được giải quyết bằng con đường cách mạng bạo lực và thực hành cuộc cách mạng không ngừng, cách mạng “đến nơi”. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định rõ mối quan hệ khăng khít giữa các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam độc lập dân tộc, dân chủ gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong Chánh cương vắn tắt, Đảng ta đã xác định rõ "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập"[2].

 

Từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã trải qua những chặng đường đấu tranh oanh liệt và thắng lợi vẻ vang, từng bước mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (2/9/1945) mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vận mệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và quần chúng nhân dân là nguồn gốc sức mạnh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường"[3].

 

3. Đảng luôn nhạy bén, bám sát tình hình thời cuộc để xác định đúng đắn nhiệm vụ, phương pháp cách mạng phù hợp đưa đất nước tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn. Trong thực tiễn, Đảng luôn kết hợp chặt chẽ giữa kiên trì chuẩn bị lực lượng với nắm vững thời cơ, khi thời cơ đến đã biết chớp lấy, kịp thời tổ chức, động viên nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng (10/5 - 19/5/1941) đã có quyết định chuyển hướng chiến lược đấu tranh cách mạng kịp thời thành lập Mặt trận Việt minh, ra lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết, đứng lên chống phát-xít, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Sau khi phát-xít Đức, Ý bại trận, phát-xít Nhật sửa soạn đầu hàng (7/1945),  Hồ Chí Minh vẫn rất sáng suốt nhận định thời cơ cách mạng đang đến gần và nhắc nhở các đồng chí Trung ương: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập"[4].

 

Ngay sau ngày giành được độc lập (02/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẩn trương lãnh đạo nhân dân cả nước bắt tay vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gắn xây dựng với bảo vệ chính quyền cách mạng; trong đó trọng tâm là xây dựng, lấy xây dựng làm điều kiện cho bảo vệ. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo - "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, lấy sức mình là chính", kháng chiến đi đôi với kiến quốc để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Qua đó, làm chuyển hoá thế trận, thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

 

Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam vẫn tạm thời bị Mỹ, ngụy chiếm đóng. Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận thức rõ những mâu thuẫn khác nhau ở mỗi miền Nam, Bắc, Đảng và Hồ Chí Minh đã xác định đúng đắn hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là vừa tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành triệt để cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành mục tiêu giải phóng dân tộc trong cả nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Điều đáng chú ý là cả hai cuộc cách mạng đó đều được xác định nằm trong quỹ đạo cách mạng vô sản và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Hiện nay nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là gì? Là xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội để làm cơ sở vững chắc cho việc đấu tranh thống nhất nước nhà. Muốn đấu tranh thống nhất nước nhà thắng lợi thì nhất định phải xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội"[5]. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước không được phép lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là tư tưởng chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

 

4. Đảng luôn nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trải nghiệm thực tiễn để có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo làm nên những bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước chồng chất khó khăn càng làm nổi bật những thành tựu đạt được sau 25 năm đổi mới là rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định lý tưởng cộng sản cao đẹp, sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội hiện thực và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đất nước có hoà bình, thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhưng với mô hình và kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng vào Việt Nam đã nhanh chóng bộc lộ khuyết tật, sai lầm của nó. Nhưng sau mỗi sai lầm, vấp ngã, Đảng đã dũng cảm "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật", kiên quyết sửa chữa, kịp thời tổng kết rút ra những bài học từ những thành công và cả những sai lầm, thất bại, kiên trì sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Hai mươi lăm năm qua với bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức cao đẹp của một Đảng cách mạng cầm quyền dày dạn kinh nghiệm, luôn biết tự đổi mới, tự chỉnh đốn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vươn lên giành nhiều thắng lợi mới. Mô hình, mục tiêu và con đường, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn. Mặc dù cách mạng còn nhiều khó khăn, lâu dài nhưng nhất định thắng lợi. Bởi đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam phù hợp với quy luật tiến hoá của lịch sử nhân loại. Đường lối đổi mới của Đảng xa lạ với những gì mà kẻ thù lâu nay vẫn ra sức tuyên truyền xuyên tạc rằng con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là "sản phẩm ngoại nhập, không có tương lai". Nhất là từ sau những sai lầm về đường lối cải tổ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thế kỷ XX. Kẻ thù đã lớn tiếng tuyên bố rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị phủ định ngay tại quê hương của nó bởi sự lỗi thời; hơn nữa, khi du nhập vào Việt Nam đã bị cắt xén, biến dạng thành bạo lực đấu tranh; kinh tế trì trệ, suy thoái, khủng hoảng…; là những biểu hiện của “hồi kết”, “Chương thử nghiệm cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản"; "sự toàn thắng của chủ nghĩa tư bản".v.v.. Nhưng thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước 25 năm qua của dân tộc ta đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc xằng bậy đó của kẻ thù.

 

Giữ vững nguyên tắc độc lập, sáng tạo, trung thành với lợi ích của nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống, xác định đường lối, chính sách đúng đắn và nhanh chóng đưa vào cuộc sống hướng dẫn hoạt động cách mạng của nhân dân là bí quyết thành công của Đảng ta. Ngay từ đầu, Đảng đã xác định rõ khâu đột phá của sự nghiệp đổi mới là đổi mới tư duy nhưng trọng tâm lại là đổi mới kinh tế. Đổi mới kinh tế kết hợp với đổi mới chính trị làm cơ sở cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, quyết tâm xây dựng một xã hội "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Để tiếp tục tạo cơ sở vững chắc trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong những năm tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định rõ 8 phương hướng cơ bản để toàn Đảng, toàn dân ta quán triệt và thực hiện: Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Với những phương hướng cơ bản trên, chắc chắn trong thời gian tới, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên không ngừng, đạt được nhiều thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

 

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 314.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 2.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr9.

[4] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr 203.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 248-249.

(Theo dangcongsan.vn)

Lượt xem: 2.145
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003989271
  •  Đang online: 79
  •  Trong tuần: 17.459
  •  Trong tháng: 39.646
  •  Trong năm: 39.646