Vấn đề an ninh con người trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng In trang
13/08/2021 02:50 CH

(LĐ online) - An ninh là khái niệm dùng để chỉ “trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của cá nhân, tổ chức, của từng lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội”. Còn nói đến an ninh quốc gia, tức là nói tới sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội trong một quốc gia, trong đó đề cao độc lập, chủ quyền, tính thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quan trọng khác của một quốc gia. Theo Luật An ninh quốc gia Việt Nam (năm 2004) định nghĩa “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Khái niệm “an ninh con người” lần đầu tiên được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sử dụng vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát triển của con người, xác định “an ninh con người là sự an toàn của loài người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hàng ngày”. Theo quan điểm này, bảo đảm an ninh con người được thể hiện trên các phương diện: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Đảm bảo được an ninh con người sẽ là nhân tố quan trọng để bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu. 

Vấn đề bảo đảm an ninh con người luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm, trong các Cương lĩnh chính trị của Đảng đã đề cập hàng loạt vấn đề liên quan đến con người, đảm bảo ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, con người. Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Trong rất nhiều Nghị quyết đại hội Đảng cũng đã xác định nội dung phát triển con người toàn diện. Đặc biệt, đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề “An ninh con người” là một trong nhiều nội dung rất mới mà Đại hội đặt ra. Nghị quyết Đại hội XIII xác định “….Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa….”. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”. Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII có nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”, v.v.. 

Để đảm bảo “An ninh con người” trong thời gian tới, Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung vào các vấn đề:

Trước hết, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để bảo đảm an ninh con người cần phải xây dựng và phát triển một nền kinh tế ổn định, chất lượng, năng suất, hiệu quả; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Vấn đề thứ hai, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân. Phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu, chương trình vì sự phát triển bền vững, vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ hiệu quả, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội. Đồng thời, nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội, bảo đảm nhu cầu tối thiểu về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm,… tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Vấn đề thứ ba, bảo đảm quyền con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Chủ động tạo điều kiện tốt nhất, nâng cao khả năng sáng tạo và phát triển của con người Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân. Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định, an sinh xã hội tốt nhất.

Vấn đề thứ tư, an ninh con người phải gắn với độc lập chủ quyền của quốc gia, dân tộc, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Chúng ta đang kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; đề cập đến vấn đề “An ninh con người” để càng hiểu và trân trọng những giá trị mà Cách mạng Tháng Tám đem lại cho dân tộc Việt Nam; đó là giá trị của độc lập, tự do, đảm bảo quyền con người, quyền tự quyết của dân tộc và cũng là bài học kinh nghiệm cho việc vận dụng thời cơ, phát huy tối đa sức mạnh, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, con người Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu cao cả, là nền tảng để đảm bảo an ninh con người trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.

(Baolamdong.vn)

Lượt xem: 4.669
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003883104
  •  Đang online: 135
  •  Trong tuần: 15.581
  •  Trong tháng: 97.823
  •  Trong năm: 1.184.479