Chào mừng Đại Hội Đại Biểu Đảng Bộ huyện Bảo Lâm lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở Bảo Lâm In trang
24/08/2020 09:35 SA

Ngay khi có Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030, Bảo Lâm đã có Chương trình hành động số 32-CTr/HU nhằm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung quan trọng của Nghị quyết 05; đồng thời, ban hành các kế hoạch, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) cụ thể đến từng loại cây trồng, vật nuôi.

 

Nhiều giống cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao đang được canh tác theo hướng bền vững ở Bảo Lâm

Nhiều giống cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao đang được canh tác theo hướng bền vững ở Bảo Lâm

 

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, hiện đại

 

Bảo Lâm có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, chủ lực là 2 cây trồng truyền thống (cà phê, chè) và một số cây trồng mới có tiềm năng và lợi thế phát triển (bơ, sầu riêng, mít, măng cụt, chanh leo, mắc ca, chuối, dâu tằm, hoa, rau màu khác...), với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hơn 50.000 ha, diện tích quy hoạch rừng và đất rừng 81.774 ha. 

 

Kinh tế hộ gia đình khẳng định là thành phần kinh tế năng động, đang giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế nông nghiệp của Bảo Lâm, chiếm 90% giá trị sản xuất của ngành và 44,3% trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất toàn huyện, với gần 26 ngàn hộ dân (hơn 55 ngàn lao động) tham gia sản xuất nông nghiệp, chiếm 88,7% tổng số hộ toàn huyện, có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có kỹ năng và năng lực tổ chức sản xuất, có vốn đầu tư... Phát triển kinh tế vườn hộ đóng góp vào tăng trưởng ở khu vực nông - lâm nghiệp với tỷ lệ tăng 6,02% (cao hơn mục tiêu đề ra là 6%); tăng độ che phủ rừng lên 54,5% (tăng 1,5% so với năm 2015) nhờ đóng góp của hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp ổn định và tăng thu nhập cho người dân nhận khoán - bảo vệ rừng.

 

Sản xuất NNCNC đã có bước chuyển biến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, diện tích sản xuất NNCNC tăng thêm 2.000 ha, đạt trên 7.000 ha. 

 

Nhiều mô hình sản xuất NNCNC mang lại hiệu quả kinh tế lớn, cho thu nhập cao, như: mô hình trồng hoa trong nhà lưới, nhà kính tại xã Lộc Đức, Lộc An; mô hình trồng rau thủy canh tại xã Lộc Ngãi; mô hình trồng bơ tại xã Lộc Phú, Lộc Đức; mô hình trồng sầu riêng tại Lộc Nam, Lộc Bảo, B’Lá… Huyện cũng xây dựng được 2 vùng sản xuất NNCNC tại xã Lộc Đức - Lộc Tân và thị trấn Lộc Thắng - Lộc Quảng.

 

Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và gắn với nhu cầu thị trường. Trong 5 năm qua, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đạt được kết quả tích cực, diện tích ghép cải tạo cà phê giống mới năng suất cao trên 26.500 ha, đạt 79% tổng diện tích; chuyển đổi chè giống mới chất lượng cao trên 5.800 ha, đạt 75% tổng diện tích. 

 

Bên cạnh đó, huyện đã phát triển mạnh diện tích và áp dụng quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc một số cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, như: 1.800 ha cây bơ (sản lượng đạt 7.393 tấn), 2.050 ha cây sầu riêng (sản lượng đạt 18.425 tấn)...; hỗ trợ khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại một số địa phương có truyền thống như Lộc Tân, Lộc Đức, Lộc Nam với diện tích trên 350 ha (sản lượng kén đạt 548,5 tấn); hoặc đầu tư xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu (đinh lăng, đương quy, tam thất,...) tại các xã Lộc Phú, Lộc Tân, Lộc Ngãi, thị trấn Lộc Thắng. 

 

Lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh; nhưng, huyện định hướng tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại tập trung, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn cũng tích cực hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; do vậy, hiệu quả trong chăn nuôi ngày càng được nâng cao, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt khoảng 9,4%. 

 

Toàn huyện Bảo Lâm có 18 hợp tác xã (HTX) và 14 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Song song với việc phát triển HTX, THT, huyện đã phê duyệt danh mục ngành nghề ưu tiên hỗ trợ và triển khai các bước để hỗ trợ chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đối với sản phẩm Bơ 034, bơ Booth. Nhiều mô hình HTX, THT liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả, tạo động lực lan tỏa trong toàn huyện, như liên kết sản xuất cà phê bền vững, liên kết sản xuất bơ, sầu riêng chất lượng cao, chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAHP, nuôi chim cút…

 

Nhiều giống cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao đang được canh tác theo hướng bền vững ở Bảo Lâm

Nhiều giống cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao đang được canh tác theo hướng bền vững ở Bảo Lâm

 

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Bảo Lâm đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, các giải pháp phát triển sản xuất... có sự đồng thuận và hưởng ứng của Nhân dân, làm thay đổi cơ bản về diện mạo nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của Nhân dân được nâng lên; rác sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt 80%. Toàn huyện có 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, thị trấn Lộc Thắng đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt 6/9 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia huyện NTM.

 

Huyện cũng hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục phát triển NNCNC, tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng - vật nuôi, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. 

 

Đồng thời, mở rộng liên kết sản xuất, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, tổ chức mạng lưới thu mua tiêu thụ nông sản hợp lý, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho nông dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và kinh tế hộ gia đình phát triển. 

 

Nhiều mô hình sản xuất đầu tư thâm canh cây trồng áp dụng quy chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thực hiện tái canh, chuyển đổi giống theo quy trình xây dựng mô hình vườn hộ bền vững, ứng dụng NNCNC (nhà kính, nhà lưới, tưới tự động) vào sản xuất; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tự động giúp giảm công lao động, nước tưới, phân bón; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là khâu thu hoạch nhằm giảm công lao động, giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất; tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cho nông dân… 

 

Nhờ tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành nghề nông thôn… đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo khu vực nông thôn của huyện. 

 

Thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 120 triệu đồng/ha (tăng 40 triệu đồng so với năm 2015); thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng/người/năm so năm 2015, gấp khoảng 2 lần so với 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3% (giảm 4,27% so với năm 2015), trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) giảm còn 4,94% (giảm 9,53% so với năm 2015).

 

Đồng chí Hoàng Trọng Hiền - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, cho biết: Bảo Lâm quán triệt thực hiện NQ05 và cụ thể hóa bằng chương trình hành động, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng; kinh tế tập thể phát triển mạnh, có nhiều mô hình kinh tế trang trại làm ăn hiệu quả, nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững được nhân rộng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững đạt kết quả toàn diện, bộ mặt nông thôn, đô thị thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao hơn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS của huyện. 

 

Đặc biệt, thúc đẩy được các thế mạnh tiên phong của huyện, như phát triển giống Bơ 034, tái canh cà phê, giữ vững vùng nguyên liệu chè, tăng diện tích cây ăn trái nhập nội thích hợp với địa hình sinh thái Bảo Lâm (sầu riêng, các giống bơ, măng cụt...), duy trì được diện tích che phủ rừng tốt. Huyện đã xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa Bơ Bảo Lâm và Cà phê Bảo Lâm…

 

Sắp tới, định hướng của Bảo Lâm là tiếp tục chú trọng việc liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế hợp tác và vai trò của người nông dân, áp dụng khoa học kỹ thuật làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp để cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập và đủ điều kiện tham gia các thị trường quốc tế… để tiếp tục xây dựng Bảo Lâm trở thành huyện NTM, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại và là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. 

 

LÊ HOA

Lượt xem: 1.324
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003898836
  •  Đang online: 50
  •  Trong tuần: 50
  •  Trong tháng: 113.555
  •  Trong năm: 1.200.211