KỶ NIỆM 102 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7/11/1917-7/11/2019) In trang
06/11/2019 08:58 SA

102 năm trước, có một nhà báo người Mỹ có mặt ở nước Nga đúng vào ngày mà nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Lênin tiến hành cuộc cách mạng “biến người nô lệ thành người tự do” - ngày 7/11/1917. Chứng kiến không khí và nhiệt huyết cách mạng của nhân dân Nga, nhà báo John Reed đã viết một tác phẩm kể về sự kiện này, đó chính là tác phẩm Mười ngày rung chuyển thế giới nổi tiếng.

Lãnh tụ Lênin diễn thuyết trước quần chúng cách mạng ở Quảng trường Đỏ, Mátxcơva. Ảnh: Tư liệu

Lãnh tụ Lênin diễn thuyết trước quần chúng cách mạng ở Quảng trường Đỏ, Mátxcơva. Ảnh: Tư liệu

1. Các dân tộc trên thế giới đã sáng tạo ra nhiều nền văn minh rực rỡ từ cả ngàn năm trước Cách mạng Tháng Mười Nga. Thế nhưng, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, giai cấp tư sản khẳng định và củng cố vững chắc địa vị của mình trên vũ đài chính trị của nhiều nước, thì cùng với đó, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang một kiểu mới: chủ nghĩa đế quốc. Lòng tham không đáy của những kẻ cầm đầu đã thôi thúc họ tiến hành xâm chiếm thuộc địa, buôn bán nô lệ, bóc lột xương máu của các dân tộc mà họ khuất phục bằng đại bác, tàu ngầm. Ít ai biết rằng ở một số nước châu Phi hiện nay vẫn bán bánh socola có hình bàn tay. Đó là chứng tích ghê rợn về tội ác cùng cực của những kẻ cai trị thực dân. Những năm ấy, những nhân công nô lệ bắt buộc trong một ngày phải cạo một khối lượng mủ cao su theo quy định. Có những người đã không thể đạt sản lượng ấy và buổi chiều họ bị chặt đứt bàn tay. 

Ở Việt Nam, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp thiết lập xong nền đô hộ trên toàn cõi Đông Dương, nhiều thế hệ người Việt Nam đã trăn trở suy tư tìm con đường cứu nước cho dân tộc mình. Khắp nơi nơi từ thành thị đến nông thôn; từ núi rừng phía Bắc đến rừng đước cực Nam; từ miền núi đến đồng bằng… đã có biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng cuối cùng đều bị quân thù dìm trong biển máu. Các nhà vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị bắt đi đày. Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế, Phan Chu Trinh bị khốn đốn nơi trời Tây, Hoàng Hoa Thám bỏ thân nơi núi rừng Yên Thế; Nguyễn Thái Học ra pháp trường lấy thân mình đền nợ nước… 

Đâu phải những thế hệ người Việt Nam khi ấy không yêu nước, đâu phải các thế hệ người Việt Nam khi ấy không có lòng dũng cảm. Chỉ là chí khí nhà Nho đã không thắng nổi vũ khí quân thù. Chỉ là tất cả họ đều chưa tìm được một con đường cứu nước để đưa dân tộc thoát khỏi buổi lầm than đen tối ấy. 

Và, chính nhờ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga mà từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc mình.

2. Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng lần đầu tiên trên thế giới đã làm được một việc lớn lao, đó là đem chính quyền về tay nhân dân, đưa nhân dân Nga - những người nông nô đói khổ, lầm than - chính thức trở thành người chủ thực sự của đất nước. Chủ nghĩa cộng sản do Mác và Ăngghen sáng lập ra được đánh dấu bằng sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới là Công xã Pari năm 1871. Thế nhưng, phải đến Cách mạng Tháng Mười Nga, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhân dân lao động từ người nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của chính mình. Đây là lần đầu tiên những người vô sản đã vận dụng thành công lý luận của chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở một quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực chính thức ra đời. Nhà nước Nga ra đời sau cuộc cách mạng ấy đã trở thành ngọn cờ đầu, trở thành thành trì vững chắc của nhân loại trong thế chiến lần thứ 2. Thế chiến 2 là cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của gần 70 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có gần 27 triệu người Liên Xô. Lịch sử không có chữ nếu, nhưng hãy đặt giả thiết nếu không có Cách mạng Tháng Mười Nga, không có nhà nước Xô Viết thì liệu bao nhiêu phần trăm dân số nhân loại đã bị diệt chủng trong cuộc cách mạng này. Nên nhớ, ngoài Liên Xô hy sinh 27 triệu người, chỉ riêng trong thời gian ngắn ngủi chiếm đóng Ba Lan, phát xít Đức đã giết hại 16% dân số Ba Lan khi ấy. Nhờ Liên Xô, nhờ thành trì vững chắc này, nhờ chiến thắng chủ nghĩa Phát xít mà sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đã giành được độc lập cho mình. Thế nhưng, có lẽ một giá trị rất lớn mà Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại cho nhân loại, đó là nó đã làm cho chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh và trở nên nhân văn hơn.

3. Cho dù có rất nhiều luận điệu lên án cuộc cách mạng này thì vẫn còn nhiều tiếng nói đánh giá khách quan, trung thực được cất lên. A.Dinoviev, một người bất đồng chính kiến và bị đi tù, lưu vong ở Mỹ sau này đã viết những dòng như sau: “Nếu không có Lênin, không có Cách mạng XHCN Tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô viết thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hóa có quy mô ngang với tuyến mà đại diện là thế giới tư bản Phương Tây. Tuyến tiến hóa đó có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển tiếp theo của nhân loại”. Ngài Putin, Tổng thống Nga đã có lần phát biểu: “Những ai muốn phủ nhận hoàn toàn những thành quả của chế độ Xô viết, người ấy không có trái tim”. Khi được hỏi vì sao ông ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản Quốc ca mới của Liên bang Nga, ông đã trả lời: “Ai không tiếc vì sự đổ vỡ của Liên bang Xô viết, người ấy không có trái tim, còn ai muốn tái lập nó giống y như cũ, người đó không có khối óc”. 

Không thể không nói thêm: Người Nga hôm nay vẫn luôn bày tỏ, vẫn tin vào chủ nghĩa xã hội, họ đồng loạt ký vào lời kêu gọi giữ thi hài Lênin trong Quảng trường Đỏ, để chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, để những ngôi sao đỏ vẫn sáng trên những ngọn tháp Điện Kremlin, biểu tượng Búa liềm còn mãi trên ngọn cờ Chiến thắng...”. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người Nga hôm nay vẫn đang tin vào những giá trị cao đẹo của cuộc cách mạng này. Năm 2008, Trung tâm Phân tích Levada đã khảo sát và công bố kết quả: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% cho rằng cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Trong khi đó, số người cho rằng Cách mạng Tháng Mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%. Những người cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga là một tai họa đối với họ chỉ có 15%. 

Trên trang mạng chính thức của mình, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Liên bang Nga ra tuyên bố: “Các sự kiện trong tháng 10/1917 không chỉ làm rung chuyển thế giới bởi quy mô và sự vĩ đại của nó, mà còn đặt nền móng cho sự duy trì, phát triển ổn định và tiến bộ của thế giới, hướng tới sự chấm dứt nạn bóc lột giữa người với người, xây dựng một xã hội công bằng và chủ nghĩa xã hội…”.

Không phải chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga, hầu như tất cả các cuộc cách mạng trên thế giới này đều để lại nhiều luồng ý kiến, nhiều nhận xét khác nhau. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi không bao giờ có cuộc cách mạng nào có thể thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của tất cả mọi người, mọi đối tượng. Bởi vậy, cho dù đã diễn ra 102 năm trước, từ cuộc cách mạng vĩ đại này đã sản sinh ra một nhà nước của nhân dân đầu tiên, lớn nhất trên thế giới; đã trở thành thành trì của thế giới trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai… Thế nhưng, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn bị nhiều ý kiến khác khau chỉ trích. Tuy nhiên, lịch sử là lịch sử. Khi nào mà thế giới vẫn còn bất ổn, bất công, khi nào mà mọi dân tộc vẫn chưa được sống yên ổn trong hòa bình, khi nào mà những xung đột sắc tộc về tôn giáo còn hiện hữu, khi nào mà các nước lớn vẫn muốn áp đặt yêu sách chủ quan của mình lên các quốc gia khác… thì khi đó tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại này vẫn còn nguyên giá trị.

VŨ TRUNG KIÊN

Lượt xem: 1.688
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003883711
  •  Đang online: 118
  •  Trong tuần: 16.188
  •  Trong tháng: 98.430
  •  Trong năm: 1.185.086