Lan tỏa những mô hình gần dân, vì dân In trang
31/10/2019 08:27 SA

(ĐCSVN) – Quán triệt những chỉ dẫn và bài học quan trọng về vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã nỗ lực sáng tạo nhiều phong trào, mô hình vì dân, được nhân dân đánh giá cao.

Một buổi “Ngày thứ sáu nghe dân nói” tại ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang). Vũ Hàn/daidoanket.vn

Sáng tạo nhiều phong trào, mô hình vì dân

Trao đổi với PV, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, trong nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Điển hình là mô hình “Gần dân, sát dân” của một số cấp ủy địa phương; khối cơ quan hành chính có mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”; trong khối doanh nghiệp có mô hình “Vì người lao động”, “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe ý kiến công nhân”, trong khối lực lượng vũ trang có mô hình “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Phát huy trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện công tác chính sách”, “Cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”... Mỗi một mô hình ở các lĩnh vực khác nhau nhưng tựu chung lại là đều hướng đến lợi ích của dân, vì dân phục vụ.

Là đơn vị điển hình của huyện Bến Cát (Bình Dương) xã Thới Hòa thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân” rất có hiệu quả. Qua mô hình này,  vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên xã đã được phát huy hơn… Ông Phạm Văn Định, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thới Hòa cho biết, để thực hiện hiệu quả mô hình “Gần dân, sát dân”, mỗi tháng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều sắp xếp thời gian để đến gặp gỡ các hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng, các cụ lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư,… nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tham gia các phong trào tại địa phương; đồng thời qua đó nắm tình hình tư tưởng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong lúc gặp gỡ, ý kiến nào giải đáp được thì cán bộ xã trả lời, giải quyết tại chỗ, những ý kiến nào chưa trả lời được thì ghi nhận, chép lại để báo cáo với Đảng ủy, chính quyền và các ngành liên quan để giải quyết cho dân.

Trao đổi với báo chí, anh Nguyễn Văn Tốn ở ấp 4 rất vui, bộc lộ rõ trên nét mặt với nụ cười tin tưởng khi có cán bộ xã tới thăm nhà: “Tôi rất vui, phấn khởi được lãnh đạo địa phương thăm hỏi, động viên và chia sẻ. Đây là nguồn động lực lớn tiếp sức cho tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống phấn đấu thoát nghèo”.

Cùng tâm trạng ấy, anh Trần Văn Quang chia sẻ: “Khi thấy lãnh đạo xã đến tôi rất vui, vì có dịp để cảm ơn trong thời gian qua địa phương đã vận động hỗ trợ xây nhà tình thương, hỗ trợ vay vốn làm ăn và miễn giảm học phí cho con của tôi”.

Ông Trần Văn Quyên, Bí thư Chi bộ ấp 4, nói: “Việc cán bộ, lãnh đạo địa phương xuống cơ sở nắm bắt sát sao tình hình, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những bức xúc, thắc mắc của người dân, bà con rất hoan nghênh và đồng tình”. Điều đặc biệt mà phóng viên thấy là, mỗi ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, cán bộ lãnh đạo khi đi cơ sở đều trang bị cho mình cuốn sổ ghi nhật ký. Khi tiếp xúc với người dân có ghi chép rõ ràng, đầy đủ các nội dung làm việc như: Thời gian, địa điểm, đối tượng, tên tuổi, tâm tư, nguyện vọng và những yêu cầu bức xúc của dân. Bên cạnh việc tìm hiểu đời sống, trả lời và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân, cán bộ xã còn phối hợp với chi bộ ấp đến hộ dân thực hiện tuyên truyền các nghị quyết của huyện, tỉnh và trung ương, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Mô hình “Ngày thứ Bảy với dân” của Huyện ủy Bình Lục (Hà Nam) đã giúp cán bộ và dân gần nhau hơn. Thực hiện mô hình điểm “Ngày thứ Bảy với dân”, Đảng ủy, UBND thị trấn Bình Mỹ xây dựng kế hoạch, đề ra từng công việc cụ thể hằng tuần, hằng tháng; phân công nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức; hướng dẫn cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện. Việc làm này đã giúp cán bộ và nhân dân gần nhau hơn. Người dân có thể dễ dàng trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu những băn khoăn, vướng mắc với cán bộ. Cán bộ tiếp nhận thông tin, nếu nội dung nào có thể giải đáp thì trao đổi ngay để nhân dân rõ, đồng thuận. Với những hiệu quả đạt được, ngay trong thời gian thí điểm, mô hình đã được nhân rộng khắp trên địa bàn toàn huyện và trở thành phong trào có sức lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Đức Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Việc thực hiện mô hình “Ngày thứ Bảy với dân” đã phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, dân với Đảng, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong lòng dân; qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Phải gần dân, lắng nghe dân, đó là kinh nghiệm mà Đảng ủy xã Phúc Khoa huyện Tân Uyên (Lai Châu) đúc rút được sau khi được quán triệt công tác dân vận của Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khoa Nguyễn Văn Hiển cho rằng: Những kết quả xã Phúc Khoa đạt được thời gian qua cho thấy, muốn nội dung của chỉ thị, nghị quyết đến được với đông đảo bà con nhân dân thì yếu tố đầu tiên là phải gần dân, lắng nghe dân, để hiểu dân cần gì, từ đó có những hỗ trợ hay kiến nghị kịp thời đến các cấp cao hơn giải quyết thỏa đáng cho bà con. “Cán bộ được dân bầu ra để nói lên tiếng nói của dân, phục vụ nhân dân. Muốn vậy, cán bộ phải xuống thực tiễn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Có như vậy mới biết người dân khó ở đâu, cần hỗ trợ gì về chính sách, những gì giải quyết được thì sẽ giải quyết luôn, còn những nội dung gì chưa giải quyết được thì cần có kiến nghị cấp cao hơn giải quyết. Với cách làm đó mà xã Phúc Khoa đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương” - đồng chí Hiển nhấn mạnh.

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) là cách làm độc đáo về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Theo lãnh đạo xã Đông Phước A, gần 4 năm qua, cứ đều đặn vào ngày thứ sáu tuần cuối cùng trong tháng, Tổ đối thoại với công dân “Ngày thứ sáu nghe dân nói” xã Đông Phước A, huyện Châu Thành do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng lần lượt tổ chức đoàn đến từng ấp để đối thoại với người dân.

Theo lịch cứ 7 giờ sáng ngày thứ sáu, hàng trăm người dân trong xã Đông Phước A, huyện Châu Thành đã có mặt đông đủ tại điểm tổ chức buổi đối thoại. Ngoài những điểm tiếp xúc cố định, còn có điểm tiếp xúc lưu động, cũng có thể được tổ chức tại nhà của một người dân để bà con thuận tiện đi lại. Hầu hết người dân ở đây xem mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” là hoạt động quen thuộc. Đây là hình thức sinh hoạt dân chủ thực sự, là diễn đàn để người dân trực tiếp nói lên tiếng nói của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau khi chú ý lắng nghe đại diện UBND xã Đông Phước A báo cáo về hoạt động lãnh đạo, điều hành các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị của xã thời gian qua, người dân thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Theo ông Đặng Văn Khải, 65 tuổi, ngụ ấp Phước Tân, xã Đông Phước A cho rằng, vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ ngày càng được phát huy trong cộng đồng, trong các khu dân cư. “Ngày thứ sáu nghe dân nói” là cơ hội để xã lắng nghe, từ đó có điều chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh, đồng thời từ ý kiến của người dân kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Ý kiến của người dân dù lớn, dù nhỏ đều được lắng nghe, ghi nhận và xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Với cách làm đó, người dân nơi đây rất phấn khởi.

Từ cuối năm 2014, đến hết năm 2018, lãnh đạo xã Đông Phước A đã gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được trên 40 buổi, có hơn 1.960 lượt nhân dân tham dự, với gần 200 lượt hộ dân phát biểu, gần 150 ý kiến. Các kiến nghị tập trung vào giải quyết các thủ tục hành chính một cửa, chính sách nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, lộ giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn… Từ hiệu quả của mô hình“Ngày thứ sáu nghe dân nói”, rất nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được giải quyết trực tiếp, những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài.

“Cán bộ được nhân dân đóng góp xây dựng lề lối làm việc phục vụ dân, hiện các hoạt động ngày càng được nhanh gọn, chuyển biến rõ nét, không gây phiền hà và thủ tục hành chính giải quyết trước thời gian quy định” - ông Trần Văn Lễ, Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Phước A cho biết.

Mô hình diễn đàn “Nhân dân nói về chúng tôi” của Công an TP. Nha Trang (Khánh Hòa) lắng nghe, đối thoại với nhân dân trong công an các đơn vị, địa phương; quan tâm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Công an nhân dân lắng nghe ý kiến Nhân dân” và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”; lấy diễn đàn “Nhân dân nói về chúng tôi” làm chủ đề trọng tâm để cán bộ, chiến sĩ quyết tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả tốt hơn…

Những mô hình trên chỉ là một số trong rất nhiều mô hình tiêu biểu khác trên khắp cả nước. Điều đó cho thấy quyết tâm của cán bộ, đảng viên cùng nhân dân là rất cao. Họ luôn có khát vọng vươn lên làm giàu ngay  trên quê hương mình. Đồng thời, nó cũng chứng minh một điều là nguồn lực trong dân là vô tận. Chỉ có điều chúng ta làm gì, làm như thế nào để phát huy và khơi dậy tiềm năng đó. Và câu trả lời chính là: Phải đắm mình trong thực tiễn, phải gần dân, sát dân, vì dân...

Từ tư duy “hành là chính” sang tư duy phục vụ

Có thể nói sáng kiến “Cà phê doanh nhân” là một mô hình mới có nhiều địa phương thực hiện với những hình thức khác nhau trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mô hình này chính là sự sáng tạo ở cơ sở trong nhiều năm qua và đây là cơ hội bình đẳng để chia sẻ, giúp lãnh đạo địa phương nghe được những gì người dân cần. Bình luận về sáng kiến này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Thực tế, trên thế giới cũng đã có những điển hình về tính lắng nghe của chính quyền địa phương với doanh nghiệp trên địa bàn. Chẳng hạn như, chính quyền Singapore và các công chức Singapore vẫn thường xuyên đến thăm các doanh nghiệp nhưng không phải để “hạch sách” “vòi vĩnh” doanh nghiệp mà để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần những gì.

Trên tinh thần đó, hiện nay có rất nhiều địa phương thực hiên mô hình này không chỉ là ngồi ở trụ sở để chờ doanh nghiệp đến đề nghị, phản ánh mà tích cực chủ động đến với doanh nghiệp để hiểu hơn về doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây là nhân tố quan trọng để các địa phương tạo môi trường hấp dẫn thân thiện thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến địa phương hoạt động.

 Là một địa phương thành công về sáng kiến “cà phê doanh nhân”, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, UBND tỉnh đã mở một không gian cà phê ngay trong khuôn viên trụ sở tỉnh để lãnh đạo tỉnh gần gũi hơn với doanh nghiệp.

Với mô hình này, ông Hùng tiết lộ, có thể chỉ trong vòng 15 phút, nửa giờ là giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp mà trước đây theo cách thức truyền thống phải mất đến hằng tuần, hằng tháng. Tại Đồng Tháp, ban đầu, những buổi cà phê gặp gỡ này được tổ chức hằng tuần, hiện nay đã diễn ra hằng ngày, từ 6h30 đến 7h30 trước khi bước vào giờ làm việc hành chính.

Đây là cơ hội để lãnh đạo chính quyền lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà hơn thế, còn được các doanh nhân, doanh nghiệp tư vấn về mặt chính sách, chia sẻ về những kiến thức, kinh nghiệm thị trường. Nói như ông Vũ Tiến Lộc: “Với những buổi cà phê trò chuyện, lãnh đạo địa phương trở thành những người học trò còn doanh nhân, doanh nghiệp là những người thầy truyền thụ về tư duy, kiến thức thị trường”.

 Mô hình Câu lạc bộ cà phê doanh nhân ở tỉnh Đắk Nông rất được người dân, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn quan tâm, đồng tình ủng hộ. Vào sáng thứ 5 hằng tuần, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp, doanh nhân gặp nhau ở đây. Tại đây, lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trao đổi giải quyết những vấn đề cụ thể về cơ chế, thủ tục, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất để doanh nghiệp, doanh nhân an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Anh Trung Thành Phát, một chủ trang trại chia sẻ: Kể từ ngày tỉnh tổ chức Câu lạc bộ cà phê doanh nhân, công việc làm ăn của anh cũng như các doanh nghiệp khác có thuận lợi hơn. Sự minh bạch, công khai về cơ chế, thủ tục hành chính qua trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành cùng doanh nghiệp, doanh nhân vào sáng thứ 5 hằng tuần được lãnh đạo tỉnh giải quyết cụ thể. Từ đó, những việc phiền toái, băn khoăn như trước đây đã hạn chế nhiều.

Mô hình này được các doanh nhân ủng hộ tích cực, cả về thời gian và kinh phí.

Về mô hình “Cà phê doanh nhân” ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ban đầu, các lãnh đạo tỉnh “cũng e ngại lắm”, “lãnh đạo tỉnh gì mà cũng sáng nào cũng uống cà phê”. Thế nhưng, vượt lên những è dè ban đầu đó, mô hình này đã được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh. Thậm chí, có những chủ đề tháng, chủ đề quý mời diễn giả, các doanh nhân lớn từ TP. Hồ Chí Minh ra, điểm danh các chủ tịch huyện nếu vắng mặt sẽ bị nhắc nhở vì không chịu gặp gỡ doanh nghiệp.

Từ góc nhìn doanh nhân, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đánh giá, sáng kiến “cà phê doanh nhân” đã rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp, doanh nhân với các vị lãnh đạo tỉnh; không còn đứng từ xa nữa mà cùng ngồi lại với nhau đối thoại; không phải giải quyết vấn đề thông qua đường văn bản hành chính nữa mà bằng những cuộc trò chuyện cởi mở.

Nêu những mô hình trên để thấy được trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt và nhận thức sâu sắc vai trò của nhân dân, vì dân, luôn lắng nghe dân, gần dân, tôn trọng dân. Thành công của các mô hình trong thời gian qua là vai trò cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo được phát huy; không ngại khó ngại khổ, kiên trì học hỏi, lắng nghe tiếp thu những ý kiến từ người dân để đưa ra những quyết sách đúng, mô hình hay phù hợp với thực tiễn có lợi cho người dân. Việc những mô hình ở các lĩnh vực khác nhau đang hoạt động có hiệu quả, giúp người dân nâng cao đời sống góp phần củng cố niềm tin của dân vào Đảng.

Để làm được điều đó, trước hết là vai trò trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện mô hình gắn với việc tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân với phương châm: Tất cả đều vì dân, bao nhiêu lợi ích ở nơi dân.

Đồng thời, qua những mô hình này đã tạo nên sự lan tỏa trong đời sống xã hội, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên, trong đó có thay đổi tư duy viên chức, công chức: Từ tư duy “cưỡng bức”, “ban phát” đứng trên doanh nghiệp, xin cho, vòi vĩnh, mặc cả… đến tự nguyện phục vụ doanh nghiệp; từ tư duy “hành là chính” sang tư duy phục vụ đúng nghĩa là “đầy tớ của nhân dân”./.

Nguyễn Minh

Lượt xem: 1.731
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003883763
  •  Đang online: 116
  •  Trong tuần: 16.240
  •  Trong tháng: 98.482
  •  Trong năm: 1.185.138