(ĐHXIII) - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức thực hiện cụ thể.
Xã viên Hợp tác xã La Bằng (Thái Nguyên) thu hoạch chè (Ảnh: Đặng Hiếu)
Theo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hàng năm, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” - nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết 13 để chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cụ thể hoá, tập trung vào những nhiệm vụ mà Nghị quyết 13 đã xác định nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền Luật Hợp tác xã 2012 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường, thị trấn ở khu dân cư. Với việc triển khai nội dung vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gắn việc tuyên truyền cho nhân dân về Luật Hợp tác xã 2012, về ý nghĩa và tác dụng của việc tổ chức sản xuất dưới hình thức hợp tác xã kiểu mới; đặc biệt là nhận thức được tác động của việc tổ chức sản xuất dưới hình thức các hợp tác xã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Để vận động nhân dân giữ gìn và phát triển nghề truyền thống thông qua việc thành lập các loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện như: Tham gia quy hoạch phát triển các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với tiềm năng nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xác định cơ cấu đầu tư, lĩnh vực ưu tiên cùng với chính sách khuyến khích phát triển từng ngành, lĩnh vực. Xây dựng chương trình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển làng nghề truyền thống và các dự án, đề án của địa phương về phát triển ngành nghề truyền thống. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng mô hình trồng rau, chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng phối hợp với chính quyền cùng cấp và các tổ chức thành viên tập trung xây dựng mô hình và giới thiệu những mô hình hoạt động hiệu quả; kết nối liên danh, liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với nhau và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế… Vận động nhân dân tham gia vào mô hình chuỗi giá trị nhằm ổn định từ khâu dịch vụ đầu vào - sản xuất - đầu ra của sản phẩm. Thông qua mô hình chuỗi giá trị, các hợp tác xã được liên kết với các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ để chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm chất lượng cao, hướng đến sản xuất những sản phẩm hữu cơ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo niềm tin sản phẩm chất lượng trong lòng người tiêu dùng.
Điểm đáng chú ý, qua những lần tham gia kiểm tra, giám sát mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, kinh tế hộ tại nhiều địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát hiện nhiều mô hình làng nghề, mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, đã kịp thời tuyên truyền, nhân rộng, giới thiệu trên kênh thông tin của Mặt trận Tổ quốc. Ngoài ra, cũng kịp thời tập hợp ý kiến, kiến nghị của người dân, xã viên hợp tác xã để chuyển đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội…
(Daihoi13.dangcongsan.vn)