Đảng ủy Bộ Nội vụ chiều qua tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị TƯ lần thứ 11 (khóa 12) của Đảng và một số văn kiện trình Đại hội Đảng 13.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ truyền đạt các nội dung cơ bản chủ yếu và quan trọng của các nghị quyết TƯ 11 (khóa 12) và một số văn bản mới của Đảng.
Trong đó có Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Thông báo Kết luận số 156 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết TƯ 5 khóa 10 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức TƯ về một số nội dung chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13…
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ
Nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng, ông Thông cho biết, liên quan đến chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới đây, trong chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và trong các văn bản đã quy định rõ. Mới đây có Quy định 214 của Bộ Chính trị cũng về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Quy định này đã nói rõ tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ để làm sao lựa chọn được đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
“Đây là cái gốc của cách mạng. Theo đúng tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự nghiệp cách mạng thành hay bại là do đội ngũ cán bộ tốt hay kém. Vì vậy vấn đề là do chúng ta lựa chọn cán bộ”, ông Thông nhấn mạnh.
Cải cách tiền lương có giúp cán bộ "không cần tham nhũng"?
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ cho biết trong dự thảo văn kiện lần này nói về 4 không: Không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
Thứ nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng lãng phí trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức để “không muốn tham nhũng”.
Thứ 2, phải có giải pháp về thể chế, hoàn thiện thể chế, bít lỗ rò rỉ để “không thể tham nhũng”. Thứ 3 là xử lý thật nghiêm để “không dám tham nhũng”. Thứ 4, phải có chính sách nhà ở, đãi ngộ để bảo đảm cuộc sống để “không cần tham nhũng”.
Theo ông Thông, hiện nay nhiều nước chỉ mới tính đến 3 không, còn “không cần tham nhũng”, đang có nhiều ý kiến khác nhau.
“Như ở ta, liệu lộ trình cải cách tiền lương thực hiện từ 2021 trở đi đã giải quyết được không, hay là “không cần tham nhũng” lần này chưa đưa vào? “Không cần tham nhũng” đã phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn này chưa? Đây là vấn đề cần thảo luận”, ông Thông nói.
Kết luận hội nghị, Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nội dung hội nghị lần thứ 11 TƯ khóa 12 thật đầy đủ, chất lượng, thiết thực, không hình thức; kết hợp nghe giới thiệu, luận giải trên hội trường với thảo luận, tự đọc, tự nghiên cứu.
Các cấp ủy đảng có hình thức tổ chức học tập, quán triệt và xác định nội dung quán triệt cho phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Việc học tập, quán triệt các nghị quyết là trách nhiệm chung của mọi cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện các nội dung của nghị quyết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị .
Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát lĩnh vực mình phụ trách, các nội dung trên tinh thần nêu gương, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020, tất cả các cơ quan đơn vị, đều hoàn thành nhiệm vụ chính trị và kế hoạch đề ra.
Ông Tuấn cho biết, Đảng ủy Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết 11 TƯ khóa 12, nhất là việc gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu ở các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trong việc xây dựng đơn vị đoàn kết, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thu Hằng