Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Khai mạc ngày 7-10 và dự kiến họp đến 13-10, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII. Ảnh: KHOA ĐĂNG
Phát huy trí tuệ tập thể
Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII và là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc khóa XIII của Đảng. Chính vì vậy, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, công tác nhân sự; xây dựng dự thảo nội dung các văn kiện trình Đại hội của Đảng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, ở đó không chỉ thể hiện sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng mà còn hòa quyện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong cả tương lai gần và tương lai xa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng thời là Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII đã nhiều lần nhấn mạnh việc phải phát huy trí tuệ tập thể trong soạn thảo văn kiện, đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới. Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần này, khi đề cập đến dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 trình Đại hội XIII của Đảng, đồng chí gợi mở: “Các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo,... Đặc biệt chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện? Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện”.
Bám sát đòi hỏi thực tiễn
Từ kinh nghiệm của các kỳ Đại hội trước, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII tới đây đã được xây dựng từ sớm, từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đã qua khảo sát thực tiễn và làm việc với hầu hết địa phương, ban, bộ, ngành; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Hội nghị lần này cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo tổng kết năm năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII. Với nội dung này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 - 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực”.
Đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, để chuẩn bị tốt nhất cho thành công của Đại hội XIII, ngay tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 này, các đại biểu cũng thảo luận kỹ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, giai đoạn chuẩn bị và diễn ra đại hội đảng các cấp. Theo đó, Hội nghị tiến hành thảo luận, phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước; thảo luận về những chính sách, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cải cách hành chính; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công,...
Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đang dõi theo, trông đợi qua mỗi kỳ họp, kỳ hội nghị của Đảng đều thu được kết quả phát huy cao nhất trí tuệ tập thể. Trước hết là sớm hoàn thiện các dự thảo văn kiện, ở đó phải là một Báo cáo chính trị xứng tầm, mang đậm hơi thở thời đại, đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của thực tiễn. Mỗi tiếng nói, mỗi ý kiến từ Hội nghị đều thiết thực, gắn chặt lý luận sắc sảo với thực tiễn sinh động, soi chiếu các vấn đề, đổi mới và khoa học. Muốn thế, Đảng phải chuẩn bị bằng được đội ngũ cán bộ then chốt cấp chiến lược đủ sức khỏe, tâm huyết, trí tuệ ngang tầm nhiệm vụ để gánh vác trọng trách trước nhân dân và đất nước.
Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sẽ tập trung các vấn đề lớn: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển.
KHÚC HỒNG THIỆN