Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã thông qua các nghị quyết: “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”; “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” và Nghị quyết về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Đây được xem là những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh hạnh phúc.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII)
• XÂY DỰNG, BỒI ĐẮP “NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”
Quan điểm của nghị quyết về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội”. Những quan điểm của Đảng về đội ngũ trí thức trong nghị quyết thể hiện tư duy và hành động nhất quán của Đảng là xác định đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết cũng xác định “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức”. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học.
• BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA
Việc ban hành Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” chính là việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong 10 năm qua, dù thế giới và khu vực có những diễn biến bất thường, có thời điểm khó lường, xung đột, chiến tranh nổ ra ở nhiều nơi, song với đường lối chiến lược quốc phòng đúng đắn của Đảng, nhất là chiến lược quốc phòng “3 không” và hiện nay là “4 không”, Việt Nam vẫn giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra dự báo là: “Trong giai đoạn tới, thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ diễn biến phức tạp và gay gắt hơn.
Việc ban hành Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” một lần nữa khẳng định Đảng ta luôn giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt nguyên tắc dựa vào dân, “dân là gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
• CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong bối cảnh tình hình khu vực và trong nước chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn, kinh tế toàn cầu suy thoái song Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cùng với đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các chính sách xã hội đã không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng.
Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới tiếp tục kế thừa nhiều nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI trước đây và có bổ sung, phát triển những nội dung mới để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: “Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững…”. Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo ra hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Chính sách xã hội ở Việt Nam là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người là trung tâm.
• PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, luôn được tỏa sáng, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết xác định, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Đặc biệt, để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện; giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội…
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng đã thành công tốt đẹp. Kết quả của hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất cao của Trung ương (…) góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện…”. Với việc ban hành, thực hiện tốt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định, lâu dài của đất nước.
(Baolamdong.vn)