(ĐHXIII) - Những ngày này, cả nước đang tích cực các công việc chuẩn bị cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng - bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Để cuộc bầu cử thành công, công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội....
Tại Bộ Tư pháp, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Có thể nói, Cuộc thi là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phục vụ Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Qua đó góp phần tích cực động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, thể hiện quyền, nghĩa vụ công dân đối với hoạt động bầu cử. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sức lan tỏa lớn để thu hút người dân tham gia thi và góp phần tích cực động viên, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia cuộc bầu cử.
Cuộc thi được diễn ra từ 00h00 ngày 01/4/2021 và kết thúc lúc 24h00 ngày 30/4/2021
Ảnh minh họa. Nguồn: TL.
Tại Bắc Giang, Giám đốc Sở Tư pháp Đỗ Thị Việt Hà cho hay, tuyên truyền về bầu cử là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Sở tập trung thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp đang biên soạn các tài liệu phục vụ tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để cấp phát cho cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh. Trên trang Web của Sở Tư pháp cũng như các cơ quan truyền thông của tỉnh cũng đã mở chuyên mục tuyên truyền về bầu cử với nhiều nội dung thiết thực.
Ở địa phương, các hoạt động tuyên truyền về bầu cử được các tỉnh hết sức coi trọng, coi đây là một trong những yếu tố góp phần vào thành công cuộc bầu cử.
Tại Phú Thọ, Sở Tư pháp đã tổ chức hôi nghị trực tuyến tuyên truyền pháp luật về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026, kết nối trực tuyến với 239 điểm cầu cấp huyện và cấp xã. Đây là lần đầu tiên Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về bầu cử theo hình thức trực tuyến ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.
Tuyên truyền kịp thời, hiệu quả
Từ đầu tháng 4 đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan, phục vụ kịp thời cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức phù hợp, thiết thực với cán bộ và nhân dân, kịp thời cùng với tiến độ, kế hoạch triển khai công tác bầu cử của tỉnh như: Phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện đăng phát tin bài trên chuyên mục “Thông tin pháp luật”; “Trả lời bạn nghe đài” “Trả lời bạn xem truyền hình”; Xây dựng Phóng sự truyền thanh Tuyên truyền pháp luật về Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tích cực hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” (xếp thứ 12/63 tỉnh, thành); biên soạn và phát hành tài liệu, đề cương tuyên truyền về bầu cử, đăng tải trên Trang tin PBGDPL của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Trang tin của Sở Tư pháp tỉnh…
Một hội nghị tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ảnh: HN.
Sở Tư pháp Hà Nội cũng vừa phối hợp Công đoàn viên chức thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 cho công đoàn các cơ quan, đơn vị thành phố.
Tương tự, Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử cho 150 đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo Phòng Tư pháp và đại diện tổ trưởng tổ hòa giải các huyện, thành phố, thị xã.
Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên đã in 2.000 quyển sổ tay đế cấp cho Ban bầu cử cấp tỉnh, huyện và các Tổ Bầu cử trên địa bàn tỉnh và 900 quyển sổ tay để cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung là tập trung tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật là nhu cầu thiết yếu, đảm bảo quyền và lợi ích của mỗi cá nhân trong việc bầu cử; giới thiệu những quy định pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 liên quan trực tiếp đến cử tri.
Ông Vũ Viết Quỳnh, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Sở đã biên soạn, in ấn 3.750 quyển sách Hỏi - Đáp pháp luật về bầu cử để phục vụ công tác tuyên truyền về bầu cử đến cán bộ, nhân dân.
Qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa tỉnh nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nắm vững nội dung chủ yếu các văn bản của Đảng, Nhà nước về tổ chức cuộc bầu cử. Qua đó, nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc tham gia thực hiện quyền bầu cử, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. /.
(Daihoi13.dangcongsan.vn)