Tạo sự công bằng cho các ứng viên trong quá trình tiếp xúc với cử tri In trang
25/02/2021 08:20 SA

(ĐCSVN) – Để tạo sự công bằng cho các ứng viên trong quá trình tiếp xúc cử tri tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp thì mỗi đại biểu cần phải có chương trình của mình. Và mỗi đại biểu cần có nhiều hình thức tiếp xúc khác nhau nhưng phải công bằng thông tin trên báo chí và nằm trong chương trình, kế hoạch đặt ra.

Đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. (Ảnh:TH)

Đó là khẳng định của đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về các nội dung liên quan đến công tác triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp.

PV: Với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam sẽ tham gia vào những nội dung nào của công tác bầu cử đại ĐBQH và bầu cử HĐND các cấp, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Sách Thực: MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tham gia bầu cử với 5 nội dung để làm sao cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, được tổ chức thành công tốt đẹp. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong tham gia xây dựng chính quyền. Trong 5 công việc Mặt trận tham gia có việc tuyên truyền, hướng dẫn nội dung bầu cử; tổ chức 3 vòng hiệp thương để giới thiệu người ứng cử; tổ chức cho các ứng cử viên vận động tranh cử; giám sát thực hiện cuộc bầu cử đúng luật, thành công...

Trong đó, mục đích của giám sát là để nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của nhân dân.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam đối với công tác bầu cử còn có ý nghĩa quan trọng nữa là nhằm thực hiện trên thực tế chức năng, nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước của Mặt trận, thực hiện được vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Cùng với hoạt kiểm tra, động giám sát của các cơ quan quyền lực (Quốc hội, HĐND các cấp) và giám sát trực tiếp của Nhân dân, hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam góp phần để cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lựa chọn được những đại biểu xứng đáng thay mặt Nhân dân tham gia cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Điều này cũng đồng thời thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong việc lựa chọn, bầu ra những đại diện xứng đáng của Nhân dân tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam đối với công tác bầu cử ĐBQH cũng là nhằm hiện thực hóa trên thực tế chức năng, nhiệm vụ giám sát của Mặt trận đã được Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định.

Cho nên công tác chuẩn bị là cả quá trình dài để đến ngày 23 tháng 5 là ngày người dân đi bỏ phiếu thì những nội dung đó từng bước, từng giai đoạn với 16 mốc chính đạt được tất cả yêu cầu đề ra từ sự tham gia của người dân, tham gia của các cơ quan cho đúng, cho trúng…

Mục đích của giám sát góp phần làm cho công tác chuẩn bị, công tác thông tin tuyên truyền, các yêu cầu cần biết phải đầy đủ đến người dân, nhất là việc liên quan đến công tác lập danh sách người ứng cử, gợi ý các nội dung cần đầy đủ để làm sao người dân thấy được người mà mình bầu phải gửi gắm được niềm tin mà mình trao gửi. Muốn thế, trong quá trình triển khai phải giới thiệu được rất rõ chương trình hành động và các nội dung mà người ứng cử muốn làm sau khi trở thành ĐBQH. Từ đó mới tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới.

PV: Vậy nội dung giám sát bao gồm những gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Theo quy định của pháp luật thì trong Chương trình phối hợp đã đề ra bao gồm 8 nội dung, trong đó tập trung vào những nội dung, những khâu liên quan đến công tác Mặt trận các cấp từ trung ương, địa phương tham gia vào các tổ chức bầu cử làm sao phải đúng thành phần và có tiếng nói. Rồi các cơ cấu, thành phần bầu cử Trung ương, hội đồng bầu cử địa phương các cấp thì có Ủy ban bầu cử các cấp. Mỗi khu vực bỏ phiếu có ban, tổ bầu cử. Mỗi tổ chức bầu cử đó thì đều có sự tham gia của MTTQ và sự tham gia đó góp phần cho các phần công việc chuẩn bị bầu cử, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Đấy là khâu rất quan trọng và những quy định trách nhiệm của các tổ chức bầu cử hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Nhóm thứ hai là nhóm tập trung vào những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn ứng cử và những phần hiệp thương để làm sao đảm bảo các quy định của luật. Trong toàn bộ quy trình này gồm có 3 bước. Bước 1 thống nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng. Bước 2 là danh sách sơ bộ và thứ 3 là lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn giới thiệu. Trong những nội dung này thì các bước được thực hiện phải rất chặt chẽ để lựa chọn, sàng lọc những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội cũng như HĐND các cấp.

PV: Kế hoạch của Mặt trận là làm thế nào để triển khai việc giám sát này đạt hiệu quả cao nhất theo quy định của pháp luật như đồng chí vừa nói?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Mặt trận đã đề ra 8 nội dung còn phương pháp, cách làm phải có nhiều hình thức. Thứ nhất, chúng tôi thấy là hình thức mỗi thành viên của Mặt trận thì đều có quyền tham gia góp ý vào những nội dung công tác chuẩn bị. Cái thứ hai là qua phát hiện của người dân rồi qua các nội dung khác thì mình tập hợp phản ánh kịp thời với cơ quan có trách nhiệm. Tôi nói ví dụ qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là tiến hành diễn ra rất dân chủ, công khai nhưng vẫn còn một số bất cập về cơ cấu, thành phần thì mình kiến nghị đến Thường trực Hội đồng nhân dân và cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp.

Còn đối với phương pháp nữa chúng tôi phối hợp với các cơ quan trong việc thực hiện giám sát việc chuẩn bị bảo đảm thực hiện đúng quy định. Và cái nữa là trách nhiệm của từng cấp Mặt trận sẽ phải tổ chức các cuộc giám sát để qua các cuộc giám sát có ý kiến, kiến nghị ngay. Đặc thù của vấn đề là không thể để kỳ sau được mà trong từng giai đoạn, từng bước, những vấn đề gì mà bất cập, cần phải hoàn chỉnh trong từng bước trong quy trình 16 bước.

Bước thứ hai, từ khi quy định 105 ngày đến ngày bầu cử là 23 tháng 5 thì phải kiến nghị kịp thời trước các bước đó để hoàn chỉnh. Như vậy, giám sát góp phần vào mục đích là chúng ta chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, công bằng.

PV: Để Quốc hội lựa chọn được những người có đức, có tài thì đợt này có một quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp phải được sự đồng ý vượt quá bán 50% của cử tri nơi cư trú. Đồng chí có bình luận gì về vấn đề này?

Đồng chí Ngô Sách Thực: ĐBQH và đại biểu HĐND thì có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Tôi thấy Điều 22 của Luật tổ chức Quốc hội quy định 5 tiêu chuẩn của người ĐBQH, trong đó có trung thành với Tổ quốc, với Hiến pháp, với nhân dân, có đủ trình độ về văn hóa, chuyên môn giỏi, rồi có đủ phải có bản lĩnh trong thực hiện các nhiệm vụ của mình, có mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, đặc biệt là phải có điều kiện tham gia thực hiện nhiệm vụ của đại biểu… Với những quy định như vậy thì yêu cầu đặt ra là phải chọn những người, những đại biểu phải đủ tiêu chuẩn đó. Chúng tôi thấy các quy trình lựa chọn thì phải có uy tín và tín nhiệm cử tri, là thước đo rất quan trọng trong tiêu chuẩn của ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp.

Chính vì thế Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ lần này trong quy trình lựa chọn sàng lọc rất chú ý đến tín nhiệm của đại biểu. Nếu ở địa bàn không có tín nhiệm, nơi công tác cũng thế thì ngay bước sàng lọc đầu tiên cũng sẽ không đưa vào.

PV: Điểm mới của đợt bầu cử này so với những lần trước là như thế nào?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Bầu cử ĐBQH và HĐND khóa này có nhiều điểm mới. Trước hết, do đòi hỏi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu các khối khác, đặc biệt là khối hành pháp.
Thứ nhất là tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu khối khác, đặc biệt là hành pháp. Theo quy định, khóa XV có tổng số 500, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 35 lên ít nhất 40% (tương ứng tăng khoảng 19 đại biểu chuyên trách), nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH.
Lần này việc hướng dẫn số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử được quy định rõ hơn, đảm bảo các vòng hiệp thương có sự lựa chọn, khắc phục tình trạng hiệp thương không có số dư, hiệp thương "tròn" ở các địa phương. Mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là 2.
Ngoài ra, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị, thì không được giới thiệu. Ứng viên không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba; trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng cử viên của HĐND được quyền tiếp xúc cử tri 5 cuộc, ứng viên Đại biểu Quốc hội ít nhất 10 cuộc. Do những lần trước không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau, người nhiều người ít. Việc quy định rõ số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn, qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, ứng viên trình bày công khai chương trình hành động toàn khóa, lời hứa với cử tri. Đây là cơ hội bình đẳng cho các ứng viên được thể hiện mình.

Và để tạo sự công bằng cho các ứng viên trong quá trình tiếp xúc cử tri thì mỗi đại biểu cần phải có chương trình của mình. Và mỗi đại biểu cần có nhiều hình thức tiếp xúc khác nhau nhưng phải công bằng thông tin trên báo chí và nằm trong chương trình, kế hoạch đặt ra. Cứ chương trình của đại biểu lên thì Ủy ban MTTQ các cấp sẽ phối hợp với Thường trực HĐND và Ủy ban bầu cử các cấp sẽ “thiết kế” để các đại biểu có nhiều cuộc tiếp xúc với người dân nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí

Lượt xem: 1.503
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003857594
  •  Đang online: 89
  •  Trong tuần: 24.027
  •  Trong tháng: 72.313
  •  Trong năm: 1.158.969