(ĐHXIII) - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã xác định 2 vai trò chính của các doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đó là, các Tập đoàn, Tổng công ty phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế; Các doanh nghiệp công nghệ trực thuộc Ủy ban phải thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương và các doanh nghiệp khác (trong đó có các doanh nghiệp thuộc Ủy ban).
Doanh nghiệp cần giữ sự chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi số (Ảnh tư liệu)
Cùng với đó, Ủy ban đã đặt ra những định hướng chuyển đối số trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm về việc chuyển đổi số.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh "Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường".
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về năng lực số như hạ tầng số, phát triển sản phẩm giải pháp số theo lĩnh vực cũng như xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao; trong đó, xác định rõ chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Song song, các Tập đoàn, Tổng công ty trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số của Công ty Mẹ, cơ quan đầu não doanh nghiệp, từ đó tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong toàn bộ các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty.
Bên cạnh đó, tăng cường triển khai nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Ủy ban và của các Tập đoàn, Tổng công ty. Ngoài ra, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được xác định là vấn đề then chốt trong quá trình chuyển đổi số.
Thực tiễn những năm qua đã chỉ rõ, kinh tế số Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế số còn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, các vùng miền khác nhau, nhận thức về kinh tế số chưa tương xứng trong xã hội và chủ thể kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nhà nước được Đảng và Chính phủ giao trọng trách đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các thành phần khác trong chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế.
Nêu cai vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi số (Ảnh: PV)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng rất sớm và năng động.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới và tin rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm đi đầu và thành công trong vấn đề chuyển đổi số.
Nghị quyết số 161/NQ-CP về “Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước”, nhằm tích cực triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN cũng khẳng định,
Để đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, DNNN phải khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống các chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quản trị hiện đại và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, phải đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới phát triển công nghệ. Theo đó, mỗi Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, tiên phong trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
(daihoi13.dangcongsan.vn)