(ĐHXIII) – Theo GS.TS Đặng Lương Mô, dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng “rất đồ sộ, súc tích”, đề cập tới tất cả các vấn đề của quốc gia, dân tộc; các chủ trương, chính sách làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
GS.TS Đặng Lương Mô
GS.TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật Bản) là Chủ tịch danh dự Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn thành phố Hồ Chí Minh (HSIA), cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là cố vấn Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 phát minh sáng chế, GS.TS Đặng Lương Mô được coi là nhà khoa học hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam, Nhật Bản, và có ảnh hưởng tại nhiều quốc gia.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, GS.TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh: Trong các dự thảo Văn kiện, chúng ta thấy xuất hiện nhiều lần cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0”. Điều này thể hiện ý chí xuyên suốt, quyết tâm đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp để đưa đất nước ta lên ngang hàng với các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới.
Theo GS.TS Đặng Lương Mô, nói đến quốc gia công nghiệp, có một mục tiêu minh bạch nhất, một mấu chốt quan trọng thể hiện rõ ràng nhất tình trạng phát triển về mặt công nghiệp, công nghệ, khoa học kỹ thuật và kinh tế tài chính: Đó là trở thành một thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). OECD có tổng cộng 34 thành viên, với bình quân GDP/người/năm là 40.713 USD, trong đó cao nhất là Luxembourg 110.908 USD, thấp nhất là Mexico 10.065 USD. Tuy nhiên, GDP cao không hẳn là điều kiện tiên quyết để gia nhập OECD, mà điều kiện tiên quyết ở đây là phải có một trình độ công nghiệp nhất định.
Nhà khoa học hàng đầu về vi mạch lý giải: Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 vốn là thời đại “số hóa (digitalization)”. “Công nghệ 4.0” hay nói dài ra là “Cách mạng Công nghiệp 4.0” là một “ý tưởng”, một thủ pháp vận dụng tất cả những thành phần công nghiệp trước 4.0, kết nối chúng lại qua một hệ vật chất gọi là “mạng vạn vật (IoT)” với sự can thiệp trực tiếp và gián tiếp của ý chí con người, tức là những sáng kiến về tạo ra sản phẩm mới, những quy trình vận hành hệ sản xuất 4.0. Nói cách khác, tất cả những thành phần cấu tạo nên một hệ sản xuất công nghiệp 4.0 đều là những thành phần công nghiệp trước 4.0. Vậy, cơ sở cho Công nghiệp 4.0 vẫn là Công nghiệp 3.0, 2.0 và 1.0. Do vậy, theo GS.TS Đặng Lương Mô, nếu chúng ta chưa có một cơ sở vững chắc về các Công nghệ 1.0, 2.0 và 3.0 thì tốt hơn hết là chúng ta nên một mặt hướng tới mục tiêu Công nghệ 4.0, mặt khác vẫn không thể sao lãng việc chỉnh đốn, gây dựng cơ sở vững chắc với những Công nghệ trước 4.0. Và dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng có chú trọng đến điều này. Dự thảo Văn kiện đã đề cập danh sách hầu như bao trùm hầu hết các ngành công nghiệp, từ công nghệ truyền thống như: khai khoáng, luyện kim, hóa chất, cho tới những công nghệ cao như: truyền thông, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh...
Góp ý bổ sung về Chỉ tiêu phát triển chủ yếu cho nhiệm kỳ 2021-2025, GS.TS Đặng Lương Mô lưu ý: Tuy ở trên có nói chỉ số GDP/người/năm không phải là điều kiện tiên quyết, không là yếu tố quyết định cho việc gia nhập tổ chức OECD, nhưng sự việc Ấn Độ, tuy được coi là có tư cách gia nhập, nhưng chưa làm đơn xin gia nhập, có lẽ là bởi vì chỉ số GDP/người/năm hãy còn kém xa quá so với thành viên có chỉ số GDP/người/năm thấp nhất là Mexico (10.065 USD). Với Việt Nam ta cũng vậy, GDP/người/năm của ta năm 2020 này là 2.901 USD, tuy có nhỉnh hơn Ấn Độ chút đỉnh (2.361USD), nhưng về cơ bản vẫn là quá thấp. Ngay như đem so với bình quân GDP/người/năm của cả thế giới (91,98 nghìn tỷ USD/7,790 tỷ = 11.807 USD), chúng ta mới chỉ bằng (2.901/11.807 USD) = 24,6%. Nói cách khác, chúng ta phải làm sao tăng GDP/người/năm của chúng ta ít nhất 4 lần mới bằng quốc gia thành viên hiện có thu nhập thấp nhất trong số 34 nước thành viên OECD.
GS.TS Đặng Lương Mô cũng nêu rõ vai trò “đầu tàu kinh tế” của thành phố Hồ Chí Minh, có thể xem là “cửa sổ trưng bày” của cả nước ra thế giới. Chính vì vậy, theo Giáo sư, cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố.
Ngoài ra, GS.TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất của mọi quốc gia, làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều quốc gia công nghiệp phát triển đã nhân dịp này dự tính thay đổi hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, giai đoạn hậu đại dịch sẽ có sự biến đổi lớn, sẽ có sự dịch chuyển cơ sở sản xuất công nghiệp từ nơi này sang nơi khác. Việt Nam ta cũng có nhiều cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất này.
Trong bối cảnh đó, theo GS.TS Đặng Lương Mô, Việt Nam cần tích cực tháo gỡ những vướng mắc không cần thiết, không đáng có, để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy của đầu tư cũng như dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất công nghiệp lần này gặp nhiều thuận lợi khi di chuyển vào nước ta. Đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, với cơ chế đặc thù, nên nhân cơ hội này sẵn sàng đón nhận những nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nhất là nên dành ưu tiên cho những nhà máy liên quan đến sản xuất vi mạch bán dẫn, làm cơ sở cho sự phát triển Công nghiệp 4.0./.
(daihoi13.dangcongsan.vn)