Ba đột phá trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng In trang
16/12/2020 08:10 SA

(ĐHXIII) – Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) nhấn mạnh tới 3 đột phá trong dự thảo báo cáo chính trị.

TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (Ảnh: Khánh Linh)

TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (Ảnh: Khánh Linh)

Theo TS Trần Hải Linh, dự thảo báo cáo chính trị lần này giữ nguyên 3 đột phá nhưng nội hàm đã có thay đổi. Cụ thể, 3 đột phá gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

TS Trần Hải Linh cho rằng: Xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp” là một định hướng của Chính phủ đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển hay Nhà nước kiến tạo phát triển rất phù hợp với việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, theo TS Trần Hải Linh, nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí đó phải cần giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực xã hội, kết hợp được trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững, hội nhập thành công; đời sống vật chất, tinh thần, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được nâng lên; môi trường sinh thái được bảo vệ; thực hiện được mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó cần hơn nữa sự phát triển của toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng để có thể áp dụng như “Chính phủ điện tử - eGov”, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết những vấn đề trụ cột của xã hội như: Tài chính, Giao thông, Giáo dục, Y tế…

Dịch vụ, các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hoá cần vận hành cơ bản thông suốt, và phải có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế dựa trên quá trình chuyển đổi số được hình thành đồng bộ, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp…Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường vốn cổ phần và trái phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ phi tín dụng; thanh toán bằng tiền mặt giảm dần, các hình thức thanh toán qua ngân hàng được mở rộng, đặc biệt là thông qua hệ thống ví điện tử, ngân hàng điện tử, ngân hàng số…

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc cũng cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng có ít nhất 1 nơi là Trung tâm tài chính đẳng cấp khu vực và quốc tế với hệ thống các ngân hàng thương mại đa dạng, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán... Các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ vốn thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc qua kênh mua bán - sáp nhập, hoạt động kiều hối, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Thêm vào đó, nhấn mạnh tới những đột phá trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, TS Trần Hải Linh đánh giá quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá; các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia bắt đầu hình thành.

Theo ông, thứ nhất, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình, đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Trong đó, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình. Điều này đã được quy định cụ thể hơn trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.

Thứ hai, TS Trần Hải Linh cũng đánh giá cần giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm. Giáo sư và phó giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được, những ứng dụng đưa vào thực tiễn xã hội và phát triển thương mại.

Thứ ba, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình.Tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc đang cần đến. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung được vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Thành lập một số nhóm nghiên cứu cho một số lĩnh vực trọng tâm (ưu tiên cho Công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm cụ thể, cấp cho họ khoản kính phí hoạt động ban đầu nhất định). Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể.

Thứ tư, các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng (dựa trên số lượng bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế khoa học chuyên ngành, bằng phát minh sáng chế và chỉ số trích dẫn của bài báo), đặc biệt là khả năng áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong đời sống thực tiễn, tạo giá trị thặng dư cho việc phát triển kinh tế. Theo TS Trần Hải Linh, Chính quyền – Nhà trường – Nguồn nhân lực chất lượng cao – Sự phát triển khoa học công nghệ – Doanh nghiệp luôn phải là cầu nối và có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết lẫn nhau.

Thứ năm, cần thành lập các chương trình mang chiến lược, định hướng và liên kết giữa giáo dục đại học và các nhà nghiên cứu trẻ, nguồn nhân lực trình độ cao trong việc phát triển khoa học, công nghệ, công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Cuối cùng, TS Trần Hải Linh nêu rõ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cần được hình thành hoàn chỉnh hơn, có sự kết nối tốt với những Quỹ đầu tư tăng tốc toàn cầu, có những “mentor” – người hướng dẫn có kinh nghiệm, có khả năng để tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản là trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Các tổ chức dịch vụ tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá, ươm tạo, môi giới chuyển giao công nghệ được khuyến khích hình thành và phát triển với sự liên kết với những đơn vị quốc tế có khả năng phù hợp với Việt Nam./.

Lượt xem: 1.739
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003978202
  •  Đang online: 52
  •  Trong tuần: 13.883
  •  Trong tháng: 57.426
  •  Trong năm: 1.279.577