Khắc phục “điểm nghẽn” trong xây dựng và thực thi pháp luật In trang
26/11/2020 09:05 SA

(ĐHXIII) – Cần có biện pháp khắc phục những “điểm nghẽn”, trở ngại, sự chồng chéo, mâu thuẫn trong xây dựng và thực thi luật pháp; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực đầu tư, hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí, thất thoát ở một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội.

Đại biểu Lã Thanh Tân nhận xét: Dự thảo Văn kiện được chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc, nội dung toàn diện, sâu sắc, chú trọng gắn lý luận và thực tiễn, mang tính tổng kết thực tiễn và tính khái quát cao, chặt chẽ. Tính tự phê bình và phê bình cao, nhất là trong đánh giá về hạn chế và khuyết điểm. Các quan điểm định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu có tính liên tục, kế thừa, tiên tiến, đột phá cho từng giai đoạn phát triển và xuyên suốt đến năm 2045 thể hiện tầm cao trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Tiểu ban Văn kiện của Đại hội.

 Về chủ đề Đại hội, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ chủ đề là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 Theo đại biểu, chủ đề Đại hội đã thể hiện cách nhìn toàn diện với quyết tâm cao trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Góp ý ở lĩnh vực kinh tế, đại biểu còn băn khoăn ở nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Về nội dung này đại biểu đề nghị nghiên cứu và luật hóa vấn đề sở hữu các ngành, lĩnh vực nhà nước cần phải độc quyền, các lĩnh vực địa bàn không có đầu tư nước ngoài. Tập trung đầu tư phát triển những ngành công nghiệp có tính nền tảng, có lợi thế so sánh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là có ý nghĩa đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

 Đại biểu cũng đề xuất cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có chính sách đầu tư phát triển ngành nông nghiệp sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái có giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ban hành chính sách cụ thể về tích tụ ruộng đất. Thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp. Hạn chế các dự án sử dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.

 Nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện toàn diện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thấy rằng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu, đại biểu phân tích: “Kinh tế thị trường có khuyết tật của nó và định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nhằm khắc phục khuyết tật. Có cơ chế định chính sách, bảo đảm an sinh xã hội để mọi người dân đều được hưởng thành quả mà mô hình chủ nghĩa xã hội mang lại. Do đó, cần hoàn thiện, bổ sung cả về lý luận và thực tiễn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ bản chất, nội dung sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đặc biệt coi trọng các giải pháp khắc phục nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay”.

Đại biểu Tân cũng đề nghị đánh giá rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo.

“Đề nghị xem xét tách thành một mục riêng về nội dung này, trong đó xác định thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo, thành phần kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu hoạt động chính của nền kinh tế. Bởi hiện tại kinh tế tư nhân đã đóng góp đến 43% GDP của cả nước”, đại biểu cho biết.

Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước, đại biểu đề xuất sửa "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng" trong dự thảo Báo cáo Chính trị thành "kinh tế tư nhân là một động lực chủ yếu của nền kinh tế".

 Tiếp theo đại biểu cũng cho rằng, cần có biện pháp khắc phục những điểm nghẽn, trở ngại, sự chồng chéo, mâu thuẫn trong xây dựng và thực thi luật pháp. Chiến lược quy hoạch, kế hoạch tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực đầu tư, hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí, thất thoát ở một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

 Về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đại biểu nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung nhiệm vụ, giải pháp, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn.

“Đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, tôi đề nghị xác định thời gian hoàn thành của nhiệm vụ này ở ngay trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, thay vì chỉ là thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử như đã nêu trong dự thảo. Đồng thời, xem xét luật hóa mô hình chính quyền đô thị trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương để triển khai thực hiện trong giai đoạn từ 2026 đến 2031”, đại biểu nêu rõ.

 Đối với dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm 2021- 2080, đại biểu nhất trí với 3 đột phá chiến lược, 10 phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù cho các địa phương trọng điểm như là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.../.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.504
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003887784
  •  Đang online: 137
  •  Trong tuần: 20.261
  •  Trong tháng: 102.503
  •  Trong năm: 1.189.159