Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội In trang
18/11/2020 01:45 CH

(ĐHXIII) – “Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội” là Chủ đề của Tọa đàm góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 18/11.

Ông Lê Tấn Dũng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: TG) 

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Lê Tấn Dũng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tọa đàm là 1 trong 4 hình thức được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức để lấy ý kiến góp ý các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tọa đàm có vai trò quan trọng đóng góp về mặt quan điểm, lý luận, mục tiêu, chỉ tiêu, những vấn đề cần xây dựng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tại tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (KHLĐ&XH) Lưu Quang Tuấn cho biết, năm 2019-2020, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng 2 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm: Báo cáo chuyên đề “Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển xã hội của Chiến lược 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và các mục tiêu phát triển xã hội giai đoạn 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025”; Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong giai đoạn 2011-2020 và vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025”.

Theo ông Lưu Quang Tuấn, rất nhiều nội dung trong 2 báo cáo chuyên đề nói trên đã được Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII sử dụng để xây dựng các văn kiện, hầu hết các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH đều xuất hiện trong văn kiện. Điều này khẳng định những đóng góp có ý nghĩa của Bộ LĐ-TB&XH.

Về thành tựu đạt được trong quản lý phát triển xã hội bền vững, theo ông Lưu Quang Tuấn đó là: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập; chính sách phát triển người lao động được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết hơn với nhu cầu thị trường; thị trường lao động phát triển hơn, hướng tới xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế...

Bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách còn thấp; quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng lao động còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành; cơ chế đãi ngộ còn bất cập…

Về định hướng phát triển trong lĩnh vực an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030, ông Lưu Quang Tuấn cho rằng, quản lý phát triển xã hội phải hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Về nhiệm vụ cụ thể của ngành LĐ-TB&XH cần hoàn thiện và thực hiện tốt pháp luật, chính sách người có công phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Cần đối mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở linh hoạt, bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Xây dựng chính sách và giải pháp đào tạo lại thị trường lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tác đông của CMCN 4.0...

Tham gia góp ý về quản lý xã hội bền vững bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện Trưởng Viện KHLĐ&XH cho rằng, quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề có tính chiến lược, có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển quốc gia để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển hài hòa.

“Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển nhanh và bền vững phải gắn kết chặt chẽ giữa quản lý phát triển kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế với quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”, TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện Trưởng Viện KHLĐ&XH (Ảnh: TG)

TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, những nội dung cơ bản quản lý xã hội bền vững bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần tập trung 7 lĩnh vực trọng tâm gồm: Thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú; Phát triển kỹ năng nghề nghiệp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu việc làm bền vững của người lao động; Phát triển việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nghèo bền vững; Phát triển bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Phát triển trợ giúp xã hội nhằm ổn định đời sống và hòa nhập xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Bảo đảm bình đẳng giới thực sự trong mọi lĩnh vực của đời sống và xã hội.

Báo cáo về nhiệm vụ và giải pháp phát triển giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực giảm nghèo, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết: “Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc từ 58,1% từ năm 1993 xuống còn 3,75% năm 2019 dự kiến còn dưới 3% vào cuối năm 2020.  Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực giảm nghèo vẫn còn một số những khó khăn, thách thức như: Kết quả giảm nghèo còn chưa thực sự bền vững tại một số địa phương. Các huyện nghèo, xã vùng cồn bãi, bãi ngang, ven biển và hải đảo có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn…

Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giảm nghèo trong giai đoạn tới cần tiếp tục thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đã đặt ra trong giai đoạn trước nhưng chưa hoàn thành; bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cần phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, các ý kiến tham luận tại Tọa đàm đã góp ý những vấn đề về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, “hiến kế” quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thứ trưởng lưu ý, các đơn vị thuộc bộ các lĩnh vực liên quan cần tiếp tục rà soát các nhóm nhiệm vụ, nhóm nào chưa đề cập, đề cập chưa xác đáng cần bổ sung làm rõ để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện sau này./.

(daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.625
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003978529
  •  Đang online: 71
  •  Trong tuần: 14.210
  •  Trong tháng: 57.753
  •  Trong năm: 1.279.904