(ĐHXIII) – Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 10/11 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trước phiên thảo luận tại tổ, bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những vấn đề quan tâm, những ý kiến tâm huyết góp ý vào các dự thảo Văn kiện này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, toàn diện, khoa học và sâu sắc, trong đó có đánh giá tổng quát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đề ra những chỉ tiêu, chiến lược của những năm tới.
Đại biểu bày tỏ rất tâm đắc khi dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ... “Bởi vì có đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì mới phát triển được kinh tế” - đại biểu nhấn mạnh.
Trong phát triển kinh tế, đại biểu chia sẻ rất “mặn mà” với tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, phải vừa song song tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng và theo chiều sâu. Theo đại biểu, Nghị quyết Trung ương đã đề ra tăng trưởng theo chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng thực chất chiều sâu chưa có, mà hiện vẫn tăng trưởng theo chiều rộng, việc này sẽ ảnh hưởng đầu tư công rất lớn. Do đó, đại biểu bày tỏ mong muốn cần có sự điều hành tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Kim Thanh)
Một vấn đề khác được đại biểu bày tỏ “cực kỳ quan tâm” trong văn kiện là tái cấu trúc nền nông nghiệp. Theo đại biểu, việc này đã được thực hiện cả nhiệm kỳ nhưng chưa có chuyển biến rõ nét trong nông nghiệp. “Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của cả nước, nông nghiệp là trụ đỡ nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất theo cái mình có không nghĩ tới thị trường nên có lúc được mùa mất giá, có lúc được giá lại mất mùa, hàng năm vẫn phải giải cứu nông sản hàng hóa” - đại biểu chia sẻ.
Liên quan đến 3 đột phá chiến lược, đại biểu cho rằng, trong đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng thì xây dựng hạ tầng giao thông là cực kỳ quan trọng đối với cả nước. Bởi vì nếu hạ tầng giao thông tốt, hoàn hảo thì có thể kêu gọi đầu tư rất dễ dàng, thuận lợi, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư từ nước ngoài vào. “Hiện nay, tôi thấy có điều bất hợp lý là các nhà đầu tư phần lớn đầu tư ở các tỉnh phía Bắc vì đường xá tương đối hoàn chỉnh. Song, riêng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nối TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, đặc biệt miền tây Nam bộ thì còn hạn chế. Nhiều nhà đầu tư đến và hứa đầu tư nhưng rồi đi không quay trở lại, khi hỏi thì họ nói là hạ tầng quá xấu, thấp kém” - đại biểu thẳng thắn chia sẻ.
Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng, vẫn đề con người là cốt lõi nên đột phá về nguồn nhân lực là rất quan trọng, cần chọn con người có đức, có tài, tâm huyết, trách nhiệm phục vụ Nhân dân.
Qua nghiên cứu các dự thảo văn kiện, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy văn kiện được xây dựng công phu, chất lượng. Đại biểu thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời kỳ tới.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Ảnh: Kim Thanh)
Theo đại biểu, muốn vậy phải quan tâm đào tạo và phải đào tạo ngay từ khi còn ở ghế nhà trường, phát triển Đoàn, Đội, Hội. Qua đó, chúng ta sẽ phát hiện được nhân tố tích cực trong lâu dài, chứ không phải chỉ trong nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó phải chú ý cân đối lực lượng cán bộ giữa các vùng miền.Cũng quan tâm tới vấn đề nhân sự, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu quan điểm, vấn đề chất lượng cán bộ rất quan trọng, phải làm sao để xây dựng được lớp cán bộ có tâm, có tài, có tầm.
Đáng chú ý, đại biểu cho rằng không nên quá coi trọng chuyện khoa bảng, bằng cấp. “Quan trọng là trong đào tạo thầy, đào tạo thợ thì số lượng thầy phải tương đối, số lượng thợ phải đủ lực lượng để làm, chứ ai cũng làm thầy thì ai làm thợ? Đó là vấn đề vừa mang tính truyên thống vừa mang tính lâu dài. Chúng ta quan tâm, các bạn học nghề thì ra phải tinh, nếu là cán bộ thì phải vừa tinh vừa đa” - đại biểu nói.
Về văn hóa, xã hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu quan tâm khi dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh đến khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.
Mặt khác, theo đại biểu, việc xây dựng văn hóa phải được quan tâm hơn nữa. Nhấn mạnh xây dựng văn hóa phải từ gốc gia đình và nhà trường, đại biểu đề nghị chúng ta phải có sự nối kết giữa gia đình và nhà trường, bởi hiện nay sự nối kết này còn lỏng lẻo, mỗi bên là một thực thể.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Ảnh: Bích Liên)
Góp ý vào các dự thảo văn kiện, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) quan tâm đến vấn đề phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đại biểu, nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân lực trong lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ, đóng vai trò vô cùng quan trọng vì đây là chủ thể sáng tạo ra chính sách, tổ chức thực hiện tốt nhất và bắt kịp thời đại. “Hiện nay, chúng ta chưa chú trọng đến việc phân loại cán bộ theo từng lĩnh vực để bố trí phù hợp với năng lực. Tôi mong muốn, việc lựa chọn Ban Chấp hành Trung ương phải trí tuệ, sáng suốt, thực sự là tinh hoa của dân tộc để dẫn dắt được đất nước đi lên”, đại biểu nêu suy nghĩ./.
(Daihoi13.dangcongsan.vn)