Trí thức trẻ tiêu biểu góp ý vào các dự thảo văn kiện In trang
07/11/2020 09:12 SA

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu trong và ngoài nước góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị


Tại Hội nghị, ý kiến của nhiều trí thức trẻ đều chung nhận định, các dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu và có tính khái quát cao; kết cấu, bố cục của các văn kiện chặt chẽ, nội dung có nhiều điểm mới; các vấn đề nêu trong báo cáo đã bám sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đánh giá sát với những thành tựu đạt được và những hạn chế, yếu kém sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các dự thảo Văn kiện lấy ý kiến nhân dân gồm: dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Trên cơ sở nghiên cứu các dự thảo Văn kiện, các trí thức trẻ tiêu biểu hãy phát huy tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ, thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc phân tích, đánh giá, bổ sung ý kiến góp ý, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Góp ý về nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo, nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho rằng, để việc đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần xây dựng một “xã hội học tập” công bằng và bình đẳng, giảm thiểu khoảng cách phát triển văn hoá và phải được đặt trong bối cảnh thế giới đang biến đổi phức tạp.

Hội nghị tập hợp trí tuệ của các trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu trong và ngoài nước góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 


Cũng theo nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, dự thảo Văn kiện cần xác định đổi mới giáo dục, phát triển văn hoá, xã hội gắn với thực trạng già hoá dân số; đảm bảo tính khái quát, bao trùm và sát sao với các đặc trưng về tâm, sinh lý của thế hệ thanh thiếu niên sinh ra trong thời đại số sau năm 2000. “Chúng ta nhắc nhiều đến thuật ngữ “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, nhưng đa phần nội hàm được bàn bạc mới chỉ dừng lại ở mức 3.0 (cuộc cách mạng về Internet), trong khi cuộc cách mạng thực sự về dữ liệu lại chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Thực tiễn cho thấy, những ngành, nghề mới đang được ra đời với tốc độ còn nhanh hơn việc mất đi những ngành nghề cũ. Cả tỉ lệ sinh viên thất nghiệp và tỉ lệ thiếu hụt lao động có tay nghề phù hợp cũng đều cao, chứng tỏ sự yếu kém trong công tác dự báo và quản trị nguồn lực. Bởi vậy, dữ liệu, dữ liệu lớn cần có được vị thế nhất định trong công tác hoạch định, đổi mới giáo dục và đào tạo”, nghiên cứu sinh này phân tích.

"Việc xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo dành cho thế hệ này không những chưa thực sự bao hàm được các sự khác biệt về bối cảnh văn hoá, xã hội, mà còn chưa bao hàm cả các khác biệt về tâm, sinh lý thế hệ, thay vì tâm, sinh lý độ tuổi thông thường. Hướng tới tầm nhìn 2045, thế hệ các bạn trẻ sinh từ những năm 2000 đến 2020 sẽ là lực lượng lao động, sáng tạo chủ chốt của đất nước. Bởi vậy, việc cụ thể hoá trong văn kiện sự quan tâm đặc biệt tới đối tượng này là một ý tưởng rất đáng được cân nhắc”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia nói.

Cùng quan tâm đến nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo, TS Lê Duy Anh, Khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, sinh viên và các trí thức trẻ Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. “Chúng tôi luôn trăn trở vì đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trong quyết định sự thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt khi Cuộc cách mạng 4.0 đang gõ cửa từng quốc gia và từng lĩnh vực”, TS Lê Duy Anh nói.

TS Lê Duy Anh kiến nghị, cần có tầm nhìn và mục tiêu đến năm 2045 phải xây dựng được ít nhất 1-3 đại học nghiên cứu hàng đầu có chất lượng và uy tín quốc tế để cạnh tranh với các đại học hàng đầu trên thế giới và trong khu vực, nằm trong top 100 đại học thế giới. Việc có ít nhất một trường đại học Việt Nam vào được top 100 thế giới sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với nền giáo dục đại học, khoa học công nghệ nước nhà, khẳng định trí tuệ Việt Nam, chứng minh tính đúng đắn của chiến lược phát triển hệ thống giáo dục, là hình mẫu cho các trường đại học khác phát triển và thu hút những nhân lực tốt nhất của Việt Nam và thế giới sống và làm việc tại Việt Nam.

 TS Nguyễn Linh Đan, Đại học Tokyo, Nhật Bản phát biểu tại Hội nghị

"Tôi nghĩ cần tính toán tới các dự báo kinh tế và năng lượng. Nhu cầu giao thông, đun nấu, điều hòa… sẽ khiến hệ thống năng lượng trở nên quá tải. Nhu cầu xăng dầu cho đi lại có khả năng tăng ba lần trong tương lai, vượt xa nhu cầu trong công nghiệp và các ngành khác. Khí thải do giao thông cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố lớn thời gian gần đây. Ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia, cần lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đưa ra những giải pháp đồng bộ và kịp thời, đảm bảo nền kinh tế nước ta thực sự phát triển theo hướng bền vững”, TS Linh Đan nói. Nhất trí với những bài học kinh nghiệm trong dự thảo báo cáo chính trị, TS Nguyễn Linh Đan, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho rằng, cần bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa tăng trưởng và ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá và nhận định kịp thời tình hình thế giới và khu vực. 

Theo PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, lần đầu tiên, các nhà khoa học trẻ, các cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ, khởi nghiệp Việt Nam toàn cầu được tập hợp như một lực lượng xã hội đoàn kết, tâm huyết và thống nhất hành động, tham gia góp ý vào các dự thảo Văn kiện mang tính chiến lược cho sự phát triển của đất nước. Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm, niềm tin tưởng và khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ với đất nước. 
Lượt xem: 1.351
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003901671
  •  Đang online: 75
  •  Trong tuần: 2.238
  •  Trong tháng: 116.390
  •  Trong năm: 1.203.046