TP Hồ Chí Minh: Góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng In trang
30/06/2020 10:43 SA

Cuối tuần qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ, lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn thành phố góp ý Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Dự thảo (lần 2) của Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

TP Hồ Chí Minh: Góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị.

 

Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ với đại biểu về vấn đề xây dựng Đảng của thành phố đang trong giai đoạn tăng cường cơ chế tự giám sát, tự kiểm tra; đồng thời Đảng bộ TP cũng thực hiện cơ chế lắng nghe ý kiến nhiều hơn từ các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến về công tác xây dựng Đảng sẽ giúp tăng cường năng lực chiến đấu của Đảng và tăng cường phát huy dân chủ, đồng thời phát huy vai trò của hệ thống HĐND, đoàn ĐBQH cũng như khối Mặt trận, đoàn thể.

Về phát triển TP HCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về 3 chương trình đột phá, bao gồm đổi mới quản lý; phát triển hạ tầng và phát triển nhân lực văn hóa. Bên cạnh đó, một chương trình trọng điểm mà thành phố đang hướng đến cho nhiệm kỳ tới chính là phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực.

Tại Hội nghị, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT đã đề xuất lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 theo phương án 2 về “Đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”. GS Quân lý giải, hiện nay đất nước cần phải đẩy mạnh phát triển về KH-CN để tận dụng, đón đầu cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đột phá phát triển.

Trong khi đó, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị cần có các điều chỉnh hợp lý trong phát triển kinh tế, nhất là quan tâm phát triển công nghiệp hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, nhanh chóng đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn vậy, cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông thật mạnh, công nghệ tiên tiến nhất; đầu tư cho hệ thống đường sắt mạnh, trở thành hệ thống giao thông trụ cột của quốc gia.

Ý kiến của Trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương kiến nghị về công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ cần công tâm, khách quan hơn, muốn vậy cần cơ chế rõ ràng, minh bạch. Theo ông Liêm, thời gian qua ở nhiều nơi có tình trạng điều động, bổ nhiệm cán bộ không chính xác và có trường hợp vi phạm nhưng vẫn được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Do đó, công tác quản lý cán bộ chưa chặt chẽ.

Về vấn đề phát triển TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa góp ý chương trình phát triển TP HCM giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện theo 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm là hết sức hợp lý. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng góp ý thành phố cần quan tâm đến khối lượng công việc vì quá trình triển khai thực hiện 4 chương trình này là rất lớn, đòi hỏi phải có giải pháp khả thi, kể cả vấn đề nguồn nhân lực đến kinh phí phù hợp để đảm bảo duy trì phát triển đột phá.

Cũng tại TP HCM, ngày 7/6, thông tin từ Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP HCM) cho biết, cơ quan này đang phối hợp cùng UBND Quận 2 để hiệp thương với người dân nằm trong khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch (theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ) để chọn và giao nền đất theo phương án hoán đổi.

Cụ thể, các cơ quan được giao chuẩn bị 198 nền đất tại P.Bình Khánh để phục vụ bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng thuộc khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, quá trình giải quyết hỗ trợ, bồi thường cho người dân phải giải quyết nhanh chóng, quyết liệt trong tháng 6 năm nay, ngoài ra phải tập trung giải quyết có hiệu quả các khiếu nại còn tồn đọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) và Khu Công nghệ cao (Q.9). Bên cạnh đó, TP HCM cũng sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến một số phương án trong giải quyết các tồn đọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có gắng giải quyết cơ bản những vấn đề theo Kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Lê Phước Tài, Phó Trưởng ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho đến nay thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 tại 3 khu đất thuộc P.Bình Khánh để phục vụ công tác bồi thường. Ban này cũng đã phê duyệt quy hoạch 1/500 ba khu đất trên để chuẩn bị cho hiệp thương bồi thường, hỗ trợ người dân Thủ Thiêm. Đối với 198 nền đất tại P.Bình Khánh cũng đang được UBND Q.2 và Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm gấp rút chuẩn bị phục vụ bồi thường cho người dân tại khu 4,3 ha. Bước đầu, các cơ quan đang thực hiện hiệp thương và để người dân nhận nền tại quỹ đất nêu trên.

Còn theo Chánh Văn phòng UBND TP HCM Hà Phước Thắng, buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ và người dân Thủ Thiêm dự kiến được diễn ra trong tháng 6/2020.

Lượt xem: 1.599
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003884984
  •  Đang online: 103
  •  Trong tuần: 17.461
  •  Trong tháng: 99.703
  •  Trong năm: 1.186.359