Mỗi kỳ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra, với những vấn đề, quyết sách hệ trọng được Trung ương xem xét, quyết định, đều được dư luận nhân dân quan tâm, chú ý. Nhưng không thể phủ nhận, khi Trung ương bàn về nhân sự, như Hội nghị Trung ương lần thứ 12 vừa bế mạc, thì sự chú ý, quan tâm còn lớn hơn rất nhiều.ự do và thịnh vượng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Dư luận nhân dân quan tâm là bởi, công tác chọn lựa nhân sự cấp cao, những người gánh vác trọng trách của đất nước là vấn đề luôn được các tầng lớp nhân dân theo sát, trong khi Hội nghị Trung ương lần thứ 12 lại tập trung bàn về phương hướng nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang tới rất gần, đã được Trung ương “tập trung công sức”, “dày công chuẩn bị”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong một bài viết rất tâm huyết gần đây, cũng nhắc đến mối quan tâm này.
Rằng, gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm, theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?
Thấu hiểu mối quan tâm và cả băn khoăn, lo lắng đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phân tích sâu sắc một số vấn đề được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, từ tầm quan trọng, các yêu cầu đặt ra, đến nội dung, phương pháp, cách thách tiến hành, và đặc biệt, nhấn mạnh “trách nhiệm của chúng ta”, là làm sao lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ Đức, đủ Tài gánh vác trọng trách mà Đảng, nhân dân giao phó.
Quả thực, khi nói “trách nhiệm của chúng ta” đối với công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thẳng thắn nhìn vào sự thực, rằng, đội ngũ cán bộ của ta hiện đông, nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Rằng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy tội, tiêu cực trong “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, chúng ta đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự… Những điểm đó, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định, đã có ảnh hưởng nhất định đến việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.
Nói đến “trách nhiệm của chúng ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương, mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.
Đáng mừng là, cùng với những định hướng lớn và quyết tâm cao, Đảng ta đã và đang tiếp tục có những bước đi vững chắc, chặt chẽ để bịt những lỗ hổng từng gây nhiều hệ lụy, tổn thất về uy tín chính trị, sự đổ vỡ niềm tin của dân vào Đảng, giúp cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị đối với công tác cán bộ.
Đơn cử như, Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 20/3/2020 được Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành đã quy định rất rõ, các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Sau Đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Ngay tại Hội nghị Trung ương 12 vừa kết thúc, Trung ương cũng đánh giá, Dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khoá trước và xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta.
Có thể thấy, những nỗ lực, quyết tâm như vậy sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị đối với công tác nhân sự, để kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có Đức, có Tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, những người sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Bởi, để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo sẽ “là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.
Đại hội XIII sắp tới được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; vào thời điểm có nhiều dấu ấn quan trọng của đất nước. Đây cũng là thời điểm đặc biệt, khi đất nước có sự chuyển giao mạnh mẽ thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước XHCN trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Chính bối cảnh đó lại càng đòi hỏi Đại hội phải lựa chọn cho được những cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng, có đủ Tài, đủ Đức, đủ bản lĩnh chính trị để gánh vác trọng trách nối tiếp truyền thống lịch sử anh hùng, đưa đất nước ta, dân tộc ta tiến lên trên con đường độc lập, tự do và thịnh vượng.